Du học Nhật - Những lo lắng không biết cuộc sống học tập ở môi trường mới sẽ như thế nào, nhất là với một đất nước phồn hoa, hiện đại và có nhịp sống nhanh đến chóng mặt như Nhật Bản, vì thế kinh nghiệm của những người đi trước chính là món quà giá trị nhất. Các kinh nghiệm học tập trong các bậc học tại Nhật Bản, dựa trên những điều mà nhiều du học sinh đã đúc rút ra trong thời gian đã học tập tại đất nước hoa anh đào. Chúng tôi không thể truyền tải hết một cách chi tiết các kinh nghiệm trong quá trình học tập, mà chỉ giới thiệu một cách khái quát những phần tâm đắc và thiết yếu nhất, giúp các bạn hình dung cụ thể hơn về cuộc sống du học. Những điều chi tiết hơn, các bạn có thể tham khảo thêm ở các nguồn khác hoặc qua các lưu học sinh có kinh nghiệm và tự trải nghiệm khi bạn đặt chân đến Nhật Bản. Hy vọng rồi đây kinh nghiệm của chính bạn sẽ làm giàu thêm tài sản này và lại được truyền tải cho các lớp du học sinh đi sau.
1. Kinh nghiệm trong thời gian học tiếng Nhật
Thời gian học tiếng Nhật là thời gian rất quan trọng trong quá trình du học. Trên nhiều phương diện, nó quyết định cuộc sống du học của bạn trong suốt những năm sau. Đây là thời gian quý báu để bạn tập trung học tiếng Nhật, tìm hiểu về đất nước và con người Nhật Bản, làm quen và gây dựng cơ sở cho cuộc sống du học. Với những sinh viên du học tự túc, đây còn là quãng thời gian đầy thử thách do phải tự vật lộn để trang trải mọi chi phí trong khi còn rất bỡ ngỡ. Những sinh viên du học theo học bổng toàn phần có điều kiện thuận lợi hơn về mọi mặt, và thời gian học tiếng Nhật sẽ chắc chắn là thời gian để lại nhiều kỷ niệm khó quên.
Trong khi phần lớn các trường tiếng Nhật tập trung ở 2 khu vực đô thị lớn là Tokyo và Osaka thì các trường đại học, cao đẳng và trung cấp lại nằm rải rác khắp nước Nhật. Nếu bạn chọn vào hoặc được phân về một trường tại địa phương thì đây còn là thời gian quí báu để bạn làm quen với chốn phồn hoa. Với sinh viên du học bậc đại học, cao đẳng, trung cấp, do đại đa số phải học chuyên môn bằng tiếng Nhật nên thường phải tham gia các khoá học tiếng Nhật tập trung trong khoảng 1 năm. Sinh viên sau đại học có thể không phải học tiếng Nhật hoặc theo các khoá chừng 6 tháng với cường độ thấp hơn. Nhiều sinh viên sau đại học có xu hướng dùng tiếng Anh trong giao tiếp với giáo sư hướng dẫn. Thời gian đầu sẽ khá thuận tiện nhưng xét về mặt lâu dài lại là yếu tố bất lợi: bạn không thể phát triển tốt được tiếng Nhật. Khi đi lại, giao tiếp với người Nhật khác, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, khi có giấy tờ, văn bản liên quan đến bạn được gửi đến, bạn sẽ không thể đọc được, và lúc nào cũng phải hỏi người khác, rất bất tiện. Nếu thầy giáo muốn nói bằng tiếng Anh, bạn có thể giao tiếp với thầy bằng thứ ngôn ngữ này, rồi cố gắng hết sức dành thời gian để học tốt tiếng Nhật và mạnh dạn sử dụng. Bạn có thể sử dụng xen lẫn cả tiếng Anh, nếu bạn không biết ngay các từ vựng đó.
Trong thời gian ở Nhật Bản, ngoài tấm bằng, nếu bạn có một trình độ tiếng Nhật lưu loát, bạn sẽ có điều kiện tạo mối quan hệ tốt với các giáo sư, bạn bè Nhật Bản, tạo mối quan hệ hợp tác, giúp đỡ, làm ăn trong tương lai. Sau khi về nước, với khả năng chuyên môn và tiếng Nhật trôi chảy, bạn sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi và ưu thế hơn hẳn những người không biết tiếng. Ngoài ra, trong những tháng năm dài ở Nhật Bản, tiếng Nhật còn giúp bạn giảm căng thẳng, vơi bớt nỗi buồn xa nhà… khi bạn có thể hiểu các chương trình tivi, đài, đọc sách, và có nhiều bạn bè Nhật Bản. Nếu bạn chưa bao giờ học tiếng Nhật tại Việt Nam, hoặc chỉ có sự chuẩn bị chút ít, bạn sẽ cảm thấy đây là một ngôn ngữ khó và đôi khi nản lòng.
Tuy nhiên, sau khi vượt qua những cửa ải đầu tiên, bạn sẽ dần tự tin và cảm nhận được những lợi ích sát sườn khi giao tiếp được bằng tiếng Nhật trong sinh hoạt. Theo kinh nghiệm từ lưu học sinh thì trong 3 tháng đầu tiên bạn sẽ khá vất vả, nhưng sau đó thì bạn sẽ quen dần và thấy tiếng Nhật dễ nhớ, dễ học hơn. Ngữ pháp tiếng Nhật khác nhiều so với tiếng Việt, trong đó cách sử dụng động từ và trợ từ tương đối phức tạp.
Ngoài ra, người Việt gặp một số âm khó phát âm. Những khó khăn này sẽ được giải quyết theo thời gian. Cách tốt nhất là giao tiếp nhiều vì trong thời gian này bạn sẽ có nhiều bạn bè quốc tế, những người dễ chia xẻ và tiếng Nhật cũng không hoàn hảo như bạn. Bỏ qua cơ hội giao tiếp trong thời gian này, bạn sẽ “dị ứng” mạnh hơn khi phải dùng tiếng Nhật trong học tập, nghiên cứu với người Nhật. Sẽ không quá lời khi nói rằng trình độ tiếng Nhật của bạn phụ thuộc phần lớn vào khả năng đọc và viết chữ Hán (Kanji). Tiếng Nhật sử dụng phổ biến khoảng 2000 chữ Hán. Nắm bắt được cách đọc và viết 2000 chữ Hán này, bạn sẽ tích luỹ được một vốn từ vựng rất lớn và hầu như có thể hiểu được nghĩa của các tài liệu viết. Ngược lại, nếu không thuộc được một lượng chữ Hán đủ lớn, bạn không thể viết, không thể đọc và vì thế không thể nhớ được từ vựng. Âm Hán Việt là vũ khí lợi hại giúp bạn tìm ra cho mình một qui tắc để học thuộc và nhớ tốt toàn bộ bảng chữ Hán thông dụng.
Cũng trong thời gian này, cần tranh thủ thời gian để củng cố lại kiến thức chuyên môn và đặc biệt là gây dựng vốn từ chuyên môn. Với những sinh viên phải tham gia kỳ thi tuyển sau khoá học tiếng Nhật, đương nhiên không thể tránh khỏi việc đầu tư thời gian chuẩn bị vì bạn không được phép thất bại. Sinh hoạt trong quãng thời gian này nhìn chung thoải mái do sức ép chưa nhiều (ngoại trừ những trường hợp du học tự túc). Trường hoặc trung tâm tiếng Nhật nơi bạn học thường tổ chức cho bạn các chương trình homestay (nghỉ tại các gia đình Nhật Bản) trong thời gian từ vài ngày đến một tuần, hoặc các chương trình giao lưu quốc tế gặp gỡ với người Nhật hoặc bạn bè đến từ nhiều nước khác trên thế giới. Đây là dịp rất quí báu để bạn có thể phát triển mối quan hệ với các gia đình và bạn bè Nhật Bản và biết thêm về lối sống của họ. Người Nhật vẫn còn giữ được nhiều bản sắc văn hoá truyền thống và Á Đông, rất chu đáo và hiếu khách. Nhiều du học sinh Việt Nam đã có được những tình cảm rất tốt đẹp với các gia đình homestay trong nhiều năm và được họ coi như là người thân trong gia đình. Những khi chúng ta gặp khó khăn ví dụ như chưa rõ nhiều điều về cuộc sống tại Nhật Bản, các gia đình homestay sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn.
2. Sinh viên trung cấp
Hầu hết sinh viên Việt Nam theo học bậc học này hiện nay được nhận học bổng của Chính phủ Nhật Bản, trong khi đây là khối trường thu hút nhiều sinh viên nước ngoài và phần lớn là sinh viên du học tự túc. Sau một năm học tiếng Nhật, các bạn sẽ được phân về các trường trung cấp tập trung quanh khu vực Tokyo và Osaka. Môi trường sống vì vậy hầu như không có thay đổi lớn. Ngoài thời gian học ở trường, bạn được hoàn toàn tự do.
Chương trình học nhìn chung gồm các tiết học bắt buộc và ít có sự lựa chọn. Ngoại trừ một số ngành đòi hỏi thực tập nhiều thì không vất vả, tuy nhiên do thời gian học ngắn (2 năm), bạn cần nỗ lực nhiều hơn ngay từ học kỳ đầu tiên, khi tiếng Nhật còn chưa vững, để đạt được kết quả tốt. Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể tìm việc làm hoặc chuyển tiếp sang học đại học. Không ít sinh viên chọn con đường thi và học lại từ năm thứ nhất đại học do số lượng các trường đại học chấp nhận chuyển tiếp còn hạn chế.
3. Sinh viên cao đẳng kỹ thuật
Sau thời gian một năm, có số vốn tiếng Nhật kha khá và biết được tương đối nhiều điều về cuộc sống đô thị, bạn sẽ được chuyển đến trường cao đẳng kỹ thuật (Kosen) nằm tại các địa phương của Nhật Bản. Các trường Kosen này phần lớn nằm tại các vùng xa xôi hẻo lánh, giao thông không được thuận tiện và có ít người nước ngoài sinh sống. Nhiều sinh viên đã bị sốc khi môi trường sống của mình bị thay đổi quá nhiều. Bạn sẽ vào học năm thứ 3 của khoá học 5 năm. Thời gian đầu, có thể bạn sẽ gặp khó khăn trong ngôn ngữ vì bạn sẽ phải nghe giảng, viết bài… cùng các sinh viên Nhật vốn đã học ở trường 2 năm. Tuy nhiên nếu bạn cố gắng, chỉ chừng nửa năm sau là tiếng Nhật của bạn cũng đã khá thành thạo. Về nội dung tại các trường Kosen này, với học lực của các sinh viên Việt Nam đã được lựa chọn trong nước, thì cũng sẽ không gặp mấy khó khăn. Học sinh Kosen nhập học sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở nên được quản lý khá chặt. Nam và nữ sống trong các ký túc xá riêng thường đặt ngay trong khuôn viên của trường. Buổi sáng dậy phải điểm danh, buối tối không được đi chơi quá 11h đêm và khi đi phải xin phép. Khách mời thường chỉ được gặp các học sinh tại các phòng tiếp khách của KTX và nếu nghỉ lại thì cũng tại phòng riêng. Nhìn chung, cuộc sống sẽ gò bó hơn rất nhiều so với thời gian học tiếng Nhật, nhưng có ưu điểm là bạn có thể toàn tâm toàn ý vào học tập và quan hệ bạn bè với những sinh viên Nhật cùng KTX sẽ giúp bạn hoà nhập dễ dàng hơn. Kết quả của ba năm học tại các trường cao đẳng có vai trò quan trọng khi bạn tốt nghiệp và muốn chuyển tiếp sang học đại học.
Những sinh viên nhận học bổng của Chính phủ Nhật Bản sẽ phải tham dự kỳ thi xét học bổng và chỉ có một số ít được nhận tiếp học bổng này, số còn lại sẽ phải đi xin các nguồn học bổng khác. Kỳ thi chuyển tiếp vào năm thứ 3 của các trường đại học cũng là một rào chắn phải vượt qua. Bạn có thể tham khảo nhiều thông tin về kỳ thi này từ các lớp sinh viên đi trước. Khi đã chuyển tiếp vào năm thứ 3 đại học, bạn sẽ phải khá vất vả để đạt được số học phần cần thiết khi lên năm thứ 4 và khi tốt nghiệp. Nhiều trường đại học không chấp nhận chuyển đổi toàn bộ số học trình bạn đã lấy tại trường cao đẳng và bạn buộc phải theo một lịch học rất căng thẳng. Sẽ là một khó khăn rất lớn nếu bạn vừa phải làm quen với môi trường mới, vừa phải học đuổi, lại vừa phải làm thêm để trang trải sinh hoạt nếu không có học bổng. Vì vậy, hãy cố gắng đạt kết quả tốt ngay trong thời gian học cao đẳng và nếu không được kéo dài học bổng của chính phủ Nhật Bản thì tìm cách xin thật sớm một học bổng khác.
4. Sinh viên đại học
Trừ các ngành y, nha và dược, các khoá học đại học của Nhật đều kéo dài 4 năm. Tỷ lệ các môn học chuyên môn tăng dần về các năm cuối, và năm thứ 4 thường được dành phần lớn cho nghiên cứu và làm luận án tốt nghiệp. Nhìn chung các trường đều có các môn học bắt buộc và tự chọn, lý thuyết và thực hành, với qui định cụ thể về số học phần bạn cần đạt để có thể bắt đầu nhận giáo sư hướng dẫn hay phân về phòng nghiên cứu, và để có thể tốt nghiệp. Đối với Việt Nam, hoặc một số nước khác như Mỹ chẳng hạn, những năm tháng học đại học quả là những năm tháng vất vả, đòi hỏi sự đầu tư về thời gian và sự tập trung cao trong học tập để giành kết quả tốt. Tuy nhiên, tình hình tại Nhật thì hơi khác. Kỳ thi đầu vào của trường đại học hết sức gian nan, đến nỗi các sinh viên Nhật phải than là “kỳ thi của địa ngục”. Tuy nhiên khi đã thi đỗ, các sinh viên Nhật Bản dường như “xả hơi” và không học quyết liệt như thời phổ thông. Thời gian dành cho sinh hoạt câu lạc bộ, làm thêm và vui chơi thậm chí nhiều hơn thời gian học.
Tuỳ theo trường đại học, nhưng thông thường những năm tháng học đại học là khá an nhàn, chỉ cần bạn chăm chỉ một chút, cộng với sự ham học hỏi của bạn, là bạn sẽ cầm chắc được tấm bằng tốt nghiệp. Đương nhiên, người thụ động sẽ chỉ gặt hái được rất ít kiến thức và kinh nghiệm. Cần tận dụng môi trường thuận lợi để học hỏi và định hướng dần cho mình. Nên tìm cách chớp những cơ hội mở mang kiến thức qua các chương trình du học trao đổi, hay thực tập tại các công ty danh tiếng hơn là tiêu tốn hết các kỳ nghỉ vào các chuyến về thăm nhà. Bạn cũng nên củng cố vốn tiếng Nhật và đầu tư thời gian để nắm vững tiếng Anh. Nếu bền bỉ theo các tiết học tiếng Anh do các giáo viên người nước ngoài giảng dạy, đến năm thứ 4 bạn có thể sử dụng tốt tiếng Anh trong học tập. Vào năm cuối của khoá học, bạn sẽ nghiên cứu đề tài tốt nghiệp dưới sự hướng dẫn của giáo sư. Việc học tập sẽ tương đối giống với khoá học sau đại học mà bạn có thể tham khảo ở phần sau.
5. Sinh viên sau đại học
a/ Thời gian học tiếng Nhật và làm nghiên cứu sinh
Bạn thường có một quãng thời gian khoảng sáu tháng học tiếng Nhật. Trong một số trường hợp, khi trung tâm học tiếng Nhật nằm ngay tại trường đại học mà bạn sẽ học, giáo sư hướng dẫn có thể mời bạn đến phòng thí nghiệm để làm quen, hoặc thậm chí làm thí nghiệm sau giờ học tiếng Nhật. Về phương diện học tập thì có lẽ đây là điều tốt, nhưng bạn hãy chú ý là bạn đang trong thời gian học tiếng Nhật, sau đó bạn còn thời gian làm nghiên cứu sinh trong khoảng sáu tháng trước khi vào khoá học thạc sĩ hoặc tiến sĩ.
Theo kinh nghiệm của nhiều lưu học sinh, nếu thầy mời bạn đến, bạn có thể đến trong một thời gian ngắn lúc đầu để đáp lại “thịnh tình” của giáo sư, nhưng nếu giáo sư yêu cầu bạn ngày nào cũng đến phòng thí nghiệm sau giờ học tiếng thì bạn nên tìm cách khéo léo từ chối trong giai đoạn này để tập trung vào học tiếng Nhật. Sau khoá học tiếng Nhật, thông thường sẽ là khoảng sáu tháng làm nghiên cứu sinh. Thời gian này, nhiều học sinh gọi là “Thời gian vàng”, nghĩa là bạn được thoải mái nhất (tất nhiên còn tuỳ thuộc vào giáo sư hướng dẫn). Bạn sẽ chủ yếu là đọc sách, làm quen với phòng thí nghiệm, và sưu tầm tài liệu nghiên cứu…
Bạn cũng sẽ có một người Nhật hướng dẫn những điều khó khăn, bỡ ngỡ lúc đầu trong cuộc sống học tập. Đây là giai đoạn mà bạn cũng có thể trau dồi thêm tiếng Nhật bằng cách tự học và tham dự vào các lớp học tiếng Nhật do chính nhà trường nơi bạn tổ chức. Thông thường các giáo sư hướng dẫn cũng không quản lý các bạn quá chặt chẽ. Thời gian rảnh, bạn có thể đi tham quan, du lịch đây đó, nhưng nên báo cho giáo sư biết, nhất là khi đi xa, do đây là người chịu trách nhiệm hoàn toàn về mọi hành vi của bạn trong thời gian tại Nhật Bản. Nếu bạn đi chơi đây đó mà không báo cáo và vi phạm qui định của MEXT thì tuỳ theo từng trường hợp mà mức độ xử lý sẽ khác nhau, nặng nhất là bị cắt học bổng, phải về nước. Cuối thời gian làm nghiên cứu sinh khoảng hai tháng, tuỳ theo từng trường và ngành chuyên môn bạn học, mà bạn sẽ phải thi nhập học thạc sĩ hoặc tiến sĩ.
Nhà trường sẽ gửi cho bạn các giấy tờ văn bản liên quan đến thủ tục hồ sơ thi nhập học, nếu hồ sơ không đến thì bạn nên chủ động hỏi thầy hoặc xuống phòng quản lý sinh viên hoặc văn phòng khoa nơi bạn đang học để hỏi và lấy hồ sơ. Khi làm xong hồ sơ theo hướng dẫn, bạn nên đưa cho thầy xem và chủ động hỏi thầy đã nộp hay chưa? Có thầy giáo hướng dẫn nhiều học sinh và bận bịu quá mức, đến nỗi quên cả một vài học sinh. Nếu thầy “quên” thì thầy cũng phải chịu trách nhiệm, nhưng người lãnh hậu quả trực tiếp lại là bạn. Nếu bạn là học sinh nhận học bổng của Chính phủ Nhật Bản, thì thông thường kỳ thi nhập học này chỉ mang tính chất thủ tục và mọi người đều đỗ, trừ trường hợp vào ngày thi bạn không thể đến được vì một lý do nào đó, hoặc mắc lỗi nghiêm trọng như vi phạm pháp luật chẳng hạn. Với các học sinh tư phí thì cũng hưởng chính sách như vậy.
Tuy nhiên, đối với một số ngành xã hội, kinh tế…thì kỳ thi nhập học khá phức tạp và khó. Hơn nữa, khi số người có nguyện vọng cao hơn số chỉ tiêu, đương nhiên sẽ có người bị trượt. Bạn nên học hành nghiêm túc, học hỏi kinh nghiệm từ thầy giáo, từ những học sinh có kinh nghiệm trong thi cử. Nếu thi trượt thì bạn sẽ phải thi lại. Với những bạn đang lĩnh học bổng thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình xin gia hạn học bổng, còn với các bạn học sinh tư phí thì kéo dài thêm thời gian nghiên cứu sinh có nghĩa là sẽ tốn kém thêm thời gian và tiền bạc. Trong thời gian này, hoặc có thể sau khi bạn đã đỗ vào kì thi thạc sĩ hoặc tiến sĩ, giáo sư sẽ bàn luận cùng bạn về đề tài mà bạn sẽ tiến hành trong khoá học. Nếu đề tài của bạn có thể ứng dụng được ở Việt Nam thì càng tốt, nhưng nhiều khi bạn cũng phải làm theo đề tài của giáo sư, vì giáo sư không thể hướng dẫn trọn vẹn theo chủ đề mà bạn mong muốn. Nhiều sinh viên có thể lựa chọn đề tài khác hẳn với đề tài đã đăng ký khi làm hồ sơ trước khi sang Nhật học.
Chú ý rằng bạn không nên gây căng thẳng nhiều với giáo sư trong trường hợp giáo sư không thể hướng dẫn theo đề tài mà bạn mong muốn. Khi giáo sư vui vẻ, nhiệt tình giới thiệu bạn cho giáo sư khác hướng dẫn thì bạn có thể đồng ý, nhưng không nên quá tích cực đề nghị. Bạn nên tìm hiểu, khéo léo điều đình với giáo sư là hay nhất. Nếu để giáo sư mất thiện cảm và bỏ rơi bạn trong quá trình học tập của bạn tại đây, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình học tập, và không ít trường hợp không thể tốt nghiệp được. Ngược lại, nếu nhận được cảm tình, sự ủng hộ của giáo sư, thì có thể nói là bạn đã thành công hơn 50% trong quá trình học tập và vươn lên tại đây.
b/. Thời gian nghiên cứu chuyên môn
Trong thời gian tham dự chính thức khoá học thạc sĩ hay tiến sĩ, bạn sẽ phải vừa nghiên cứu đề tài tốt nghiệp, vừa phải hoàn thành các đơn vị học phần do trường qui định. Thông thường, bạn cũng sẽ phải tham gia các buổi hội thảo học tập (seminar) hàng tuần với giáo sư và các sinh viên khác trong cùng phòng nghiên cứu và đôi khi kèm cặp sinh viên ở bậc học thấp hơn. Nhiều giáo sư Nhật rất coi trọng tinh thần tự lập và sự sáng tạo của học sinh, chính vì vậy mà bạn có thể mạnh dạn trình bày với thầy các suy nghĩ của mình về công trình nghiên cứu, về kế hoạch nghiên cứu, rồi lắng nghe các ý kiên tư vấn của giáo sư, sau đó cùng thống nhất nội dung.
Nhiều giáo sư vì bận bịu nên không thể hướng dẫn bạn trực tiếp, mà thông qua các học sinh khoá trước. Khi đã quen rồi, bạn có thể làm thí nghiệm, tiến hành nội dung nghiên cứu một cách độc lập, nhưng bạn chú ý là tuyệt đối không tự ý làm thí nghiệm nếu không thông qua giáo sư. Khi bạn tiến hành làm nghiên cứu, thí nghiệm, bạn chú ý là chúng ta bước đầu hãy chú trọng học hỏi các sinh viên đi trước có kinh nghiệm hơn. Các phòng nghiên cứu của Nhật Bản thường có truyền thống là người đi trước giúp đỡ người đi sau. Các sinh viên khoá sau (kohai) thường nghe theo các sinh viên khoá trước (sempai), ít khi chống lại quyết liệt. Ngược lại, các sempai cũng thể hiện mình là người gương mẫu để các kohai học tập theo. Không nên thể hiện thái độ kiêu căng tự phụ với mọi người, và cũng không nên sợ sệt, mà giữ một thái độ tự tin, nghiêm túc, có lối sống và phương pháp học tập đàng hoàng, có tinh thần ham học hỏi, khiêm tốn, thì bạn sẽ rất thuận lợi. Bạn nên có mặt thường xuyên ở phòng nghiên cứu, nếu đi vắng, bạn phải có lý do và nên xin phép giáo sư hướng dẫn. Nhiều trường hợp giáo sư và cả sinh viên ở lại trường đại học rất muộn, có khi đến tận nửa đêm. Vì vậy bạn nên xây dựng cho mình một lịch làm việc hợp lý trên cơ sở điều chỉnh cho phù hợp với phong cách làm việc của phòng nghiên cứu ở mức độ nhất định, chứ không nên “chạy đua” với những người xung quanh.
Trong quá trình nghiên cứu, các số liệu của bạn nên được quản lý có hệ thống, khoa học, khi giáo sư cần hỏi là có ngay lập tức. Các số liệu của chúng ta phải tuyệt đối trung thực, chính xác. Thí nghiệm phải nên được làm đi làm lại nhiều lần, khi đã khẳng định được kết quả đúng mới mang ra báo cáo cho giáo sư, và có thể tập hợp lại để viết báo. Một trong những yếu tố thành công của người Nhật trong nghiên cứu khoa học kỹ thuật có lẽ là sự trung thực, chính xác tuyệt đối, và tinh thần sáng tạo. Nếu thí nghiệm, công trình nghiên cứu không cho ra kết quả như ý muốn, bạn sẽ phải tự tìm hiểu, hỏi ý kiến tư vấn của giáo sư, rồi làm đi làm lại để tìm hiểu nguyên nhân, chứ tuyệt nhiên không nên nguỵ tạo. c. Đăng bài trên tạp chí và tham gia hội thảo khoa học Trong khoá học tiến sĩ, bạn sẽ phải cần một số bài báo đăng trên các tạp chí khoa học kỹ thuật chuyên ngành, có thể là 1, 2, 3 bài, tuỳ theo từng trường và ngành mà bạn học. Các bài báo này là một tiêu chuẩn quan trọng để có thể quyết định bạn được tốt nghiệp tiến sĩ hay không. Khoá học thạc sĩ thì không cần thiết phải có bài báo được đăng, nhưng nếu bạn có các công trình đem báo cáo tại các hội thảo (Proceeding), hoặc viết được một số bài, thì khi thi lên khoá tiến sĩ, bạn sẽ được đánh giá cao hơn. Với khóa học tiến sĩ, nhiều người chỉ vì không có đủ bài báo mà bị trượt, bị đúp và phải ở lại hoặc quay lại Nhật Bản khi có đủ bài báo mới được báo cáo tốt nghiệp. Nếu bạn nhận học bổng MEXT, dĩ nhiên là hết thời hạn thì học bổng của bạn sẽ bị cắt, và cũng không có tổ chức nào cấp học bổng cho các sinh viên thi trượt, hoặc bị đúp này. Lúc đó đương nhiên bạn phải tự trả mọi chi phí tại một nước đắt đỏ nhất thế giới. Người Nhật thường chỉ chấp nhận các tờ báo ít nhất là ở Nhật, hoặc ở châu Âu, và tốt nhất là Mỹ. Một số nơi thì các bài báo đăng ở Australia cũng được chấp nhận. Nếu bạn đã có kinh nghiệm viết báo khoa học ở Việt Nam và có một số bài được đăng, thì bạn sẽ chỉ gặp vấn đề khó khăn chính là sử dụng ngôn ngữ. Tiếng Anh chủ yếu được sử dụng trong viết các bài báo khoa học, tuy nhiên cũng có một số giáo sư yêu cầu viết bằng tiếng Nhật. Nếu bạn chưa hề có kinh nghiệm viết báo, thì trước tiên bạn phải tham khảo một loạt các bài viết có chủ đề giống với công trình nghiên cứu của bạn. Các tạp chí chuyên ngành có thể tìm tương đối dễ dàng trong hệ thống thư viện của phòng nghiên cứu, khoa, trường và mạng thư viện trên toàn quốc. Sau khi bạn đã viết xong, bạn nên nhờ các bạn bè có kinh nghiệm xem, sửa hộ, đóng góp ý kiến vào bài viết, và cùng giúp tìm ra các lỗi trong bài viết. Tại Nhật, có một số công ty làm dịch vụ thuê các nhà chuyên môn đọc và sửa bài viết cho bạn, nhưng giá cả khá đắt khoảng vài trăm đôla một bài viết. Nếu giáo sư có tiền nghiên cứu trả cho bạn, khi gửi cho các công ty trên, bài viết của bạn sẽ được chỉnh sửa, đóng góp ý kiến…và sau khi bạn sửa lại một lần nữa, bài báo của bạn có cơ hội được đăng nhiều hơn, và bạn cũng có thể học hỏi được nhiều điều. Trong trường hợp thầy không có tiền nghiên cứu để trả cho bạn, bạn có thể nhờ một số sinh viên có kinh nghiệm xem giúp, hoặc các bạn bè giúp đỡ. Sau khi chuyển bài cho giáo sư, bài của bạn sẽ được giáo sư xem xét chỉnh sửa, đôi khi nhiều lần. N
hiều giáo sư Nhật Bản tuy không có khả năng nói tiếng Anh được thành thạo, nhưng lại có khả năng viết, đọc những bài báo khoa học một cách tuyệt vời. Sau khi sửa xong, chúng ta gửi đăng trên các tạp chí khoa học. Thường khoảng từ 3-6 tháng, sẽ nhận được tin trả lời từ tạp chí đó là bài báo của bạn được chấp nhận với yêu cầu phải chỉnh sửa tiếng Anh và phần chuyên môn, hoặc là bị từ chối. Trong trường hợp bị từ chối, bạn đừng buồn gì cả mà hãy sửa lại bài viết của mình, gửi đi một tạp chí “mềm” hơn, và bạn sẽ có khả năng được chấp nhận cao hơn. Có một điều khá thú vị là người châu Âu và người Mỹ sử dụng tiếng Anh thông thoáng hơn, có nhiều cách diễn tả phong phú hơn người Nhật nên nhiều khi bài viết của bạn đã được giáo sư người Mỹ, Anh sửa cho rồi, nhưng khi được các giáo sư Nhật chịu trách nhiệm duyệt bài, vẫn bị gạch hết và yêu cầu phải sửa lại.
Có một kinh nghiệm xương máu rằng, khi bạn chuẩn bị bài viết gửi đi, bạn nhất thiết phải bàn với giáo sư của bạn kỹ càng, tuyệt đối không được tự phép gửi đi mà không có ý kiến của giáo sư. Vì bạn đang là học sinh do giáo sư hướng dẫn, nên trong thời gian đó, mọi công trình nghiên cứu của bạn hiển nhiên phải được giáo sư đồng ý và thông qua. Nếu bạn tự ý gửi bài đi đăng, nếu giáo sư biết thì nhiều điều phiền hà sẽ xảy ra với bạn. Các bài viết đó thường không được các giáo sư đồng ý là công trình sử dụng để xét tuyển bạn tốt nghiệp, và bạn sẽ đứng trước nguy cơ bị trượt rất cao. Điều này đã xảy ra với một số sinh viên Việt Nam trong vài năm về trước. Sau khi gửi bài để giáo sư xem, và thấy có khả năng bị quên lãng, bạn nên hỏi và nhắc giáo sư thường xuyên. Đừng nên ngần ngại hoặc rụt rè, vì đây là công việc hết sức thiết thực và liên quan trực tiếp đến bạn. Khi bạn đã có đủ bài viết rồi thì bạn có thể yên tâm thoải mái và chỉ tập trung vào công việc viết luận văn. Công việc của chúng ta nên tiến hành một cách bình thường, không nên tạo ấn tượng bạn là người chỉ học đối phó, chỉ lo tốt nghiệp là được.
Nếu bạn theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học, thì bạn có càng nhiều bài viết đăng trên các tạp chí khoa học càng tốt. Tuy nhiên đây là công việc không đơn giản chút nào, và đỏi hỏi phải đầu tư sức lực, thời gian… vào công tác nghiên cứu thực sự nghiêm túc và nỗ lực cao. Thông thường giáo sư sẽ báo cho bạn thông tin về các hội thảo khoa học trong và ngoài nước Nhật để bạn biết và sẽ có dịp rủ bạn đi cùng. Đây là dịp quý báu để bạn học hỏi, biết thêm nhiều điều, mở rộng mối quan hệ với bạn bè, các giáo sư cùng lĩnh vực tại các trường đại học khác. Nhiều khi bạn cũng phải chuẩn bị nội dung để báo cáo bằng tiếng Anh hoặc bằng tiếng Nhật, tuỳ theo khả năng ngôn ngữ của bạn. Tuy nhiên cũng cần nên nhớ rằng, chỉ có các bài báo của bạn đăng trên các tạp chí khoa học mới là các thành quả nghiên cứu của bạn thực sự, còn các bài trình bày tại các hội thảo thì chẳng mấy có ý nghĩa, chỉ mang tính chất tham khảo là chính mà thôi.
Bạn có thể đi hội thảo, nhưng nếu phải chịu toàn bộ kinh phí, thì chỉ nên đi mỗi năm một lần, và bạn nên tập trung vào nghiên cứu, viết bài để đăng trên tạp chí khoa học là chính. d. Sau khóa học Nhật Bản là một trong những nước có điều kiện học tập, nghiên cứu khoa học tốt nhất thế giới. Chính vì vậy mà trong thời gian học tại Nhật Bản, nếu bạn biết tận dụng thuận lợi này, bạn sẽ học hỏi được nhiều điều quan trọng, thiết thực và bổ ích. Bạn sẽ có điều kiện sử dụng các trang thiết bị hiện đại, thông tin khoa học, xã hội được cung cấp và có thể thu thập kịp thời một cách chính xác và rất nhanh. Bạn cũng có thể tận dụng thời gian quý báu này để thu thập số liệu tư liệu để mang về nước, phục vụ cho công tác nghiên cứu và ứng dụng tại Việt Nam sau khi trở về nước.
Có những kỹ thuật ở Nhật Bản đang thịnh hành, tuy không ứng dụng ngay được ở Việt Nam, nhưng một số năm sau, bạn sẽ có điều kiện phát triển, ứng dụng tốt các kỹ thuật này. Các thông tin khoa học, địa chỉ của các tạp chí, các bài viết khoa học có liên quan hoặc tham khảo, các tư liệu thí nghiệm, địa chỉ của các công ty cung cấp các tư liệu thí nghiệm… nên được thu thập và ghi chép lại cẩn thận. Nếu như bạn làm việc tại Việt Nam, việc tìm các số liệu, tư liệu nghiên cứu… hẳn sẽ không được thuận tiện như ở Nhật Bản. Điều đó sẽ rất có ích cho bạn trong công tác nghiên cứu, làm việc tại Việt Nam, thậm chí ở một số nước khác, sau khi bạn tốt nghiệp. Sau khi bạn đã hoàn thành công việc, báo cáo tốt nghiệp và trở về nước, bạn nên giữ mối quan hệ thường xuyên với giáo sư hướng dẫn và các giáo sư quen biết khác nữa, để có dịp mở mang mối quan hệ hợp tác chuyên môn. Nếu bạn hợp tác được với các nhà khoa học Nhật Bản sau khi bạn tốt nghiệp trở về nước, đó sẽ là điều rất tuyệt vời và có ý nghĩa, mở ra nhiều triển vọng cho công việc trong tương lai của bạn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét